Nhắc đến rắn, người ta nghĩ ngay đến những vết cắn nguy hiểm có thể gây chết người. Mặc dù không phải tất cả các loài rắn đều có nọc độc, nhưng có những loài rắn có khả năng gây tử vong trong vòng 30 phút. Dưới đây là top 10 loài rắn độc nguy hiểm nhất thế giới.
Rắn đuôi chuông hay rắn chuông hay rắn rung chuông hay là một nhóm các rắn độc thuộc các chi Crotalus và Sistrurus thuộc phân họ Crotalinae ("rắn hang") với đặc điểm chung là cái đuôi của chúng có thể rung và tạo tiếng động như tiếng chuông. Có 32 loài rắn chuông với từ 65-70 phân loài, tất cả chúng đều là loài bản địa châu Mỹ, từ phía nam Canada đến miền trung Argentina.
Hầu hết những con rắn đuôi chuông đều rất độc. Lượng nọc độc của chúng có thể nhanh chóng làm tê liệt hệ thần kinh của các con mồi như chuột, chim và một số loại động vật nhỏ khác, sau đó khiến cho tim của nạn nhân ngừng đập chỉ một vài phút sau khi bị cắn.
Khi con người bị cắn bởi rắn đuôi chuông, chất độc từ răng nanh của chúng sẽ ngấm vào vết thương, vào máu, làm phá hủy mô, gây hoại tử và rối loạn đông máu (làm gián đoạn quá trình đông máu), gây ra hiện tượng chảy máu bên trong rất nguy hiểm. Đáng ngạc nhiên, rắn con được coi là nguy hiểm hơn so với rắn trưởng thành, do không có khả năng kiểm soát lượng nọc độc tiết ra. Một số vết cắn để lại tổn thương vĩnh viễn cho nạn nhân ngay cả sau khi được điều trị gây hoại tử mất chân tay hoặc tử vong. Các triệu chứng phổ biến là khó thở, tê liệt, chảy nước dãi và xuất huyết ồ ạt. Các vết cắn của rắn chuông không nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là từ các loài lớn hơn, thường rất nguy hiểm. Tuy nhiên, khi được điều trị kịp thời bằng antivenin có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 4%.
Ở Mỹ, rắn đuôi chuông hổ (C. tigris) và một số giống rắn chuông Mojave (C. scutulatus) còn có thành phần nọc độc thần kinh được gọi là độc tố Mojave loại A, có thể gây tê liệt nghiêm trọng. Mặc dù có nồng độ tương đối thấp, độc tính của chất C. tigris được coi là cao nhất trong số các nọc độc rắn chuông và trong số các loài rắn độc ở Tây bán cầu dựa trên các nghiên cứu LD50 được thực hiện trên cơ thể chuột.
Nọc độc rắn chuông là hỗn hợp của năm đến 15 enzyme, các ion kim loại khác nhau, amin sinh học, lipit, axit amin tự do, protein và polypeptide. Nó chứa các thành phần hóa học để tê liệt và vô hiệu hóa con mồi, cũng như các enzyme tiêu hóa phá vỡ mô để chuẩn bị cho việc tiêu hóa sau này.
Những con rắn già sở hữu nọc độc mạnh hơn và những con rắn lớn hơn thường có lượng lọc độc lớn hơn trong cơ thể.
Rắn chuông đóng góp phần lớn số ca tử vong do rắn cắn ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, rắn chuông hiếm khi cắn người trừ khi bị khiêu khích hoặc đe dọa. Rắn đuôi chuông thường nằm rình đợi con mồi hoặc săn các con mồi nhỏ trong hang. Do tập tính ngụy trang và rình mồi nên rắn chuông đã tiến hóa để có vẻ ngoài rất khó phát hiện. Đây cũng là lý do gây ra các vụ con người bị rắn cắn khi vô tình đi vào khu vực sinh sống của chúng.
Rắn đuôi chuông chủ yếu ăn các loài chim và loài gặm nhấm, do đó chúng đóng một vai trò sinh thái quan trọng trong việc hạn chế dân số loài gặm nhấm phá hoại mùa màng và ổn định hệ sinh thái.
Death Adder có tên thích hợp được tìm thấy ở Úc và New Guinea. Loài rắn độc này thậm chí săn và giết những con rắn khác, bao gồm cả những con rắn độc nhất, thường là bằng cách phục kích.
Death Adders trông khá giống với vipers, ở chỗ chúng có đầu hình tam giác và thân hình ngắn, cuộn tròn. Mỗi nhát cắn của chúng chứa khoảng 40 - 100mg nọc độc với độc tính LD dao động ở mức 0,4mg-0,5mg / kg. Nọc độc của Death Adder nằm trong top nguy hiểm nhất trên thế giới.
Nọc độc chứa chất độc thần kinh, gây tê liệt và có thể gây tử vong trong vòng 6 giờ nếu không được chữa trị kịp thời, chủ yếu do suy hô hấp. Kể cả sau khi được điều trị, cơn nguy kịch thường kéo dài và đạt mức nguy hiểm nhất trong vòng 24-48 giờ. Antivenin có tác dụng khá hiệu quả trong việc điều trị vết cắn từ Death Adder, giúp làm giảm các triệu chứng nguy hiểm. Trước khi Antivenin được phát minh, tỉ lệ tử vong do các vết cắn của Death Adder lên đến hơn 60%. Đó là lý cái tên “ Rắn tử thần “ ( Death Adder) được dùng cho loài vật nguy hiểm này.
Death Adder sở hữu tốc độ tấn công nhanh nhất thế giới, Death Adder có thể hoàn tất cú tấn công của mình và trở lại tư thế phòng thủ trong vòng 0,13 giây.
Thức ăn của Death Adder chủ yếu là ếch, thằn lằn và chim. Không giống như hầu hết các loài rắn có nọc độc ở Úc thường tích cực tìm kiếm con mồi, loài rắn này thích ngồi ở một nơi và chờ đợi con mồi đến. Chúng ẩn mình dưới những chiếc lá khô và nằm cuộn tròn trong tư thế sẵn sang tấn công, ve vẩy cái đuôi màu vàng giả làm thức ăn để dụ con mồi nó tới gần. Khi nạn nhân tiến đến đủ gần, sát thủ tung cú đánh chớp nhoáng, tiêm nọc độc vào con mồi và sau đó chờ nạn nhân chết trước khi nuốt gọn.
Rắn lục hay rắn hổ lục (Danh pháp khoa học: Vipera) là một chi rắn độc thuộc họ Rắn lục (Viperidae). Chúng còn được gọi là rắn Viper (rắn Vai-pơ), ở một nước tên thường gọi là rắn lục sừng, rắn vảy sừng do các loài rắn thuộc chi vipera (có sừng) phân bố rộng rãi ở nhiều nước.
Rắn hổ lục có một cặp răng nanh khá dài so với các loài rắn độc khác, sử dụng để tiêm nọc độc từ các tuyến nằm phía sau hàm trên, ngay sau mắt. Mỗi chiếc răng nanh nằm ở phía trước miệng trên bộ xương hàm ngắn có thể xoay qua lại. Khi không sử dụng, răng nanh gập lại nằm gọn trên vòm miệng và được bọc trong một lớp màng. Cơ chế xoay này cho phép những chiếc răng nanh rất dài được chứa trong một cái miệng tương đối nhỏ. Răng nanh trái và phải có thể được xoay cùng nhau hoặc độc lập.
Trong một pha tấn công, miệng Rắn hổ lục có thể mở gần 180°, răng nanh được bung ra thật muộn ngay trước khi tiếp xúc với mục tiêu để giảm lực tác động vì chúng dài và dễ gãy. Nọc độc được tiêm ngay khi răng nanh xâm nhập vào mục tiêu. Hành động này diễn ra rất nhanh; trong các cuộc tấn công, nó giống với một vết đâm hơn là một vết cắn. Răng nanh dài giúp nó tiêm nọc độc vào sâu con mồi khiến chúng tê liệt trong vòng vài phút.
Nọc độc của Rắn hổ lục chủ yếu để làm bất động và tiêu hóa con mồi. Quá trình tiền tiêu hóa xảy ra nhờ nọc độc chứa protease làm suy giảm các mô. Ngoài ra, nó được sử dụng để tự vệ, Trong một số trường hợp khi phát hiện đối phương không phải con mồi, chẳng hạn như con người, chúng có thể tạo ra vết cắn khô (không tiêm nọc độc). Một vết cắn khô cho phép con rắn bảo tồn nguồn nọc độc quý giá của nó, bởi vì một khi đã cạn kiệt, cần có thời gian khá dài để bổ sung, khiến con rắn dễ bị tổn thương. Ngoài việc có thể tạo ra những vết cắn khô, Rắn hổ lục còn có thể kiểm soát liều lượng nọc độc nhiều hay ít tùy thuộc vào kích thước con mồi. Điều này giúp chúng tối ưu hóa việc săn mồi và tiêu hóa chỉ với lượng nọc độc thấp nhất.
Nọc độc của Rắn hổ lục thường chứa rất nhiều enzyme phân giải protein, được gọi là protease, gây ra các triệu chứng như đau, sưng và hoại tử cục bộ, mất máu và tổn thương tim mạch do rối loạn đông máu và phá vỡ hệ thống đông máu. Cuối cùng là tử vong do tụt huyết áp. Một số vết cắn của Rắn hổ lục cũng chứa độc tố thần kinh vô hiệu hóa sự co cơ và gây tê liệt, tử vong nhanh do ngạt vì cơ hoành không còn khả năng co lại. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra ; Thông thường các vết cắn gây ra cơn đau do chất độc phân giải protein điển hình, trong khi một số vết cắn của Rắn hổ lục lại tạo ra các triệu chứng nhiễm độc thần kinh.
Nọc độc proteolytic cũng có hai mục đích: Thứ nhất, nó được sử dụng để phòng vệ và làm bất động con mồi, như với nọc độc thần kinh; Thứ hai, nhiều enzyme của nọc độc có chức năng tiêu hóa, phá vỡ các phân tử trong các con mồi, như lipit, axit nucleic và protein. Đây là một sự thích nghi quan trọng, vì nhiều loài vip có hệ thống tiêu hóa không hiệu quả.
Do bản chất của nọc độc protein, vết cắn của Rắn hổ lục thường là một trải nghiệm rất đau đớn và phải luôn được theo dõi sát sao, mặc dù nó có thể không nhất thiết gây tử vong. Ngay cả khi được điều trị kịp thời và đúng cách, vết cắn vẫn có thể dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn và trong trường hợp xấu nhất, phần bị ảnh hưởng thậm chí có thể phải cắt bỏ. Số phận của nạn nhân là không thể dự đoán được, vì điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả loài và kích cỡ của con rắn, bao nhiêu nọc độc đã được tiêm (nếu có), kích thước và tình trạng của bệnh nhân trước khi bị cắn. Nạn nhân bị Rắn hổ lục cắn cũng có thể bị dị ứng với nọc độc hoặc kháng nguyên.
Rắn hổ mang Philippines (Naja philippinensis) còn được gọi là rắn hổ mang phía bắc Philippines, là loài rắn hổ mang có nọc độc với độc tính cao có nguồn gốc từ các khu vực phía bắc Philippines.
Rắn hổ mang Philippines có chiều dài trung bình, khi bị đe dọa, chúng phình mang nhằm tang kích thước cơ thể để cảnh báo kẻ thù. Chúng có khả năng phun nọc độc xa tới 3m. Chiều dài trung bình của loài này là 1,0 mét. Loài này có thể phát triển đến chiều dài 1,6 mét. Tuy nhiên, người ta phát hiện một số cá thể ở đảo Mindoro, được cho là đạt chiều dài 2 mét, và đây được coi là chiều dài tối đa mà loài này có thể đạt được. Đầu rắn có hình elip, hơi lõm, cổ với mõm ngắn, tròn và lỗ mũi lớn. Đôi mắt có kích thước vừa phải với con ngươi màu nâu sẫm và tròn, điển hình của các loài rắn hổ mang khác và tương tự như các loài linh miêu khác nói chung. Rắn trưởng thành có màu từ nhạt đến nâu trung bình, trong khi cá con non có xu hướng có màu nâu đậm hơn.
Nọc độc của rắn hổ mang Philippines chứa chất độc thần kinh cực mạnh, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và có thể gây nhiễm độc thần kinh và tê liệt hô hấp. Các chất độc thần kinh làm gián đoạn việc truyền tín hiệu bằng cách cắt đứt liên kết thần kinh giữa các cơ. Các triệu chứng của vết cắn bao gồm đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt và khó thở.
Một nghiên cứu thống kê trên 39 bệnh nhân bị cắn bởi rắn hổ mang Philippines đã được tiến hành vào năm 1988. Nhiễm độc thần kinh xảy ra ở 38 trường hợp với các triệu chứng lâm sàng kể trên. Suy hô hấp nặng ở 19 bệnh nhân và thường khởi phát rất nhanh: ba trường hợp ngưng thở hoàn toàn trong vòng 30 phút sau khi bị cắn. Có hai trường hợp tử vong, gồm cả những nạn nhân sau khi được cấp cứu tại bệnh viện. Ba bệnh nhân bị hoại tử và 14 nạn nhân có triệu chứng nhiễm độc thần kinh toàn thân. Vết cắn của rắn hổ mang Philippines đặc trưng bởi độc tính thần kinh nghiêm trọng khởi phát nhanh và tổn thương mô cục bộ.
Mặc dù độc tính của nọc độc có thể khác nhau rất nhiều ngay cả giữa các cá thể cùng loài, rắn hổ mang Philippines được coi là sở hữu một trong những nọc độc có độc tính cao nhất trong số tất cả các loài Naja (rắn hổ mang) dựa trên LD50 ở chuột. LD50 dưới da trung bình của loài này là 0,20 mg / kg (giá trị LD50 thấp nhất 0,14 mg / kg) và lương nọc độc trung bình trên mỗi vết cắn là 90-100 mg.
Rắn hổ là một loài rắn có nọc độc cao được tìm thấy ở các khu vực phía Nam của Úc, bao gồm các đảo ven biển của nó, như Tasmania. Những con rắn này rất đa dạng về màu sắc, thường có dải giống như trên một con hổ và màu sắc cơ thể dần thay đổi theo đặc điểm khu vực sinh sống của chúng.
Rắn hổ chiếm 17% số nạn nhân bị rắn cắn được xác định ở Úc trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2015, với bốn trường hợp tử vong được ghi nhận từ 119 trường hợp được xác nhận.
Nọc độc của rắn hổ sở hữu độc tố thần kinh, chất đông máu, haemolysin và myotoxin mạnh. Các triệu chứng của vết cắn bao gồm đau cục bộ ở vùng chân và cổ, ngứa ran, tê và đổ mồ hôi, sau đó là khởi phát khá nhanh các khó thở và tê liệt. Nạn nhân có thể tử vong chỉ trong vòng 30 phút sau khi bị cắn. Nhưng thông thường, các cơn đau sẽ kéo dài từ 6 – 24h trước khi tử vong. Trong một nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do vết cắn khi không được điều trị kịp thời được báo cáo là từ 40 đến 60%.
Sự phát triển của antivenom đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do bị rắn hổ cắn. Tại Australia, Số ca tử vong do rắn hổ cắn chỉ xếp sau rắn nâu.
Loài rắn Mamba đen đáng sợ được tìm thấy ở nhiều nơi trên lục địa châu Phi. Trái với tên gọi thông thường, rắn mamba đen không thực sự có màu đen. Loài này được đặt tên như vậy là do bên trong vòm miệng rắn có màu đen như mực. Chiều dài rắn trưởng thành dao động khoảng từ 2m đến 3m nhưng dựa theo vài nguồn tin, có những mẫu vật đạt chiều dài 4,3 đến 4,5m Mamba đen sở hữu cân nặng trung bình khoảng 1,6kg. Đây là loài rắn độc sở hữu chiều dài lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau chiều dài của rắn hổ mang chúa tại Ấn Độ và Đông Nam Á.
Trong thiên nhiên, mamba đen hiếm khi cho phép vật thể lạ tiếp cận gần (trong vòng 40 mét). Khi phải đối mặt, rắn bộc lộ tính hung hăng cao và sẽ há miệng rộng, bắt chước rắn hổ mang, bằng cách căng vành cổ ra, phô bày vòm miệng đen và búng lưỡi. Đôi khi tập tính này có thể đi kèm với âm thanh rít. Bất kỳ chuyển động bất ngờ nào ở giai đoạn này có thể kích động rắn mamba tiến hành một loạt đòn tấn công nhanh khiến đối phương trúng độc nặng. Ngoài ra, do kích thước lớn, rắn mamba đen có thể nâng cao đầu lên khỏi mặt đất và trong đòn tấn công rắn có thể tung cao 40% cơ thể lên. Điều này cho phép nó tấn công ở phạm vi rộng đáng kể, kể cả con người ở tầm ngang ngực.
Chúng cũng là loài rắn trên cạn nhanh nhất thế giới, có khả năng đạt tốc độ tối đa 20km/h. Những con rắn đáng sợ này có thể tấn công tới 12 lần liên tiếp. Một vết cắn duy nhất chứa lượng độc tố có khả năng giết chết từ 10-25 người lớn.
Vết cắn có thể tiết ra trung bình 100–120 mg nọc độc và liều tối đa được ghi nhận là 400 mg. Trước khi huyết thanh kháng độc phổ biến rộng rãi, tỷ lệ tử vong do một vết cắn gần như 100%. Vết cắn của rắn mamba đen có khả năng có thể gây bại liệt cho con người trong vòng 45 phút, hoặc ít hơn. Nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả, nạn nhân thường sẽ tử vong trong vòng 7-15 giờ.
Nếu bị cắn, những triệu chứng thần kinh hay thần kinh-cơ ban đầu xuất hiện thường gồm có chứng đau đầu và trong miệng xuất hiện mùi vị kim loại, sau đó có thể kèm theo bộ ba triệu chứng như dị cảm, đổ mồ hôi nhiều, chảy nước bọt. Những triệu chứng khác gồm có sụp mí mắt và tê liệt hành tủy dần dần. Đau khoanh vùng hoặc tê nhức xung quanh chỗ cắn khá phổ biến nhưng thường không nghiêm trọng; do đó, áp một mảnh băng gạc vết thương vào vết cắn là cách khả thi và có thể khiến cho tiến trình tấn công của độc tố thần kinh bị chậm lại. Nếu không điều trị thích hợp, triệu chứng thường tiến triển đến phản ứng nặng hơn như nhịp tim nhanh bất thường hay chấn động mô thần kinh, dẫn đến tử vong do ngạt thở, trụy tim mạch hoặc suy hô hấp.
Rắn mamba đen được đánh giá phổ biến là loài rắn nguy hiểm và đáng sợ nhất tại châu Phi. Người dân địa phương Nam Phi gọi vết cắn của rắn mamba đen là "nụ hôn của thần chết". Tuy nhiên, rắn mamba hiếm khi chủ động tấn công con người, vì chúng thường cố gắng tránh đối đầu và ít khi xuất hiện trong khu vực đông dân cư. Một cuộc khảo sát về rắn cắn ở Nam Phi từ năm 1957 đến năm 1963 ghi nhận hơn 900 ca rắn cắn có nọc độc, nhưng chỉ có 7 trong số này xác nhận do rắn mamba đen cắn nhưng cả 7 ca này nạn nhân đều đã tử vong.
Rắn cạp nia là một loài rắn độc, thuộc họ rắn hổ, da vảy trơn bóng được sắp xếp thành các khoang đen trắng, sáng tối xen kẽ. Cạp nia phân bố chủ yếu ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Thông thường, loài rắn này có chiều dài khoảng từ 1-1,5m, có con dài tới 2-2,5m. Chúng thường kiếm ăn về đêm, ban ngày thường rất hiền lành, nhưng ban đêm lại đặc biệt dữ tợn. Cạp nia hay sinh sống trong các đồng cỏ và cánh rừng có nhiều bụi rậm. Con mối ưa thích của rắn cạp nia chính là các loài rắn khác, đôi khi là chính đồng loại của mình.
Nọc độc của chúng hoàn toàn là chất độc thần kinh, mạnh gấp 16 lần so với rắn hổ mang và không chứa chất độc protein. Theo các nhà khoa học, trước khi có thuốc điều trị rắn độc cắn thì tỉ lệ thiệt mạng của những nạn nhân khi bị rắn cạp nia cắn lên tới 75%. Nguyên nhân khiến nhiều người chết sau khi rắn cạp nia cắn vì hầu hết các vết cắn đều không sưng hay đau nhiều, khiến nạn nhân chủ quan, thậm chí không biết mình bị rắn cắn. Nhiều trường hợp người biết bị rắn cắn, nhưng do không cảm thấy đau và nghĩ là rắn không độc nên đi cấp cứu quá muộn, sau khi các triệu chứng tê liệt thần kinh xảy ra thì đã không còn cứu kịp. Các chuyên gia về phòng chống độc cho biết, nọc của rắn cạp nia các neurotoxins presynaptic có thể gây tê liệt cơ, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của nơ-ron thần kinh để truyền thông tin, mệnh lệnh tới nơ-ron tiếp theo.
Khi bị rắn cắn, nạn nhân thường bị tê liệt tạm thời, sau đó là chuột rút, run, co thắt. Tuy nhiên, những triệu chứng này đều có thể không xảy ra đồng thời ở các bộ phân khác nhau trên cơ thể. Theo thông kê, tỉ lệ chết người do vết cắn của rắn cạp nia còn tùy thuộc vào lượng nọc độc cũng như tình trạng sức khỏe của người bị cắn lúc đó. Trong một số trường hợp, ngay cả khi antivenin được dùng kịp thời, nạn nhân vẫn không thể sống sót. Cái chết thường xảy ra trong vòng 6-12 giờ sau khi bị rắn cắn. Ngay cả khi nạn nhân đến bệnh viện, tình trạng hôn mê vĩnh viễn và thậm chí tử vong do thiếu oxy vẫn có thể xảy ra do độc tích phát tác quá nhanh nên sự ngăn chặn của kháng nguyên không còn hiệu quả.
Theo nghiên cứu, rắn cạp nia có lượng nọc độc trung bình khoảng 4,6 mg - 18.4mg/nhát cắn. Nọc độc có độc tính cao với giá trị LD50 đạt 0.09mg/kg – 0.108mg/kg. Do đó, cạp nia được coi là một trong những loài rắn độc nhất thế giới, là nỗi kinh hoàng của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam với tên gọi “rắn hai bước” với hàm ý khi bị rắn cắn, bạn chỉ đi thêm được 2 bước là tới ngay cánh cửa của tử thần.
Rắn nâu là một loài rắn có nọc độc cao thuộc họ Elapidae, có nguồn gốc ở miền đông và miền trung Australia và miền nam New Guinea. Nó được mô tả lần đầu tiên bởi André Marie Constant Duméril vào năm 1854. Con rắn nâu phương đông trưởng thành dài tới 2 m với dáng người mảnh khảnh. Phần lưng nó có màu nâu, từ màu nâu nhạt đến gần như màu đen, phần bụng của nó có màu vàng kem nhạt, thường có các sọc màu cam hoặc xám.
Rắn nâu phía đông được tìm thấy ở hầu hết các môi trường sống ngoại trừ rừng rậm. Nó đã trở nên phổ biến hơn ở đất nông nghiệp và ở vùng ngoại ô của các khu vực đô thị, được hưởng lợi từ nông nghiệp do số lượng con mồi chính của nó tăng lên vd như chuột.
Nọc độc của rắn nâu phía đông có chứa các yếu tố đông máu VF5a và VF10, cùng tạo thành phức hợp prothrombinase pseutarin-C. Chất này phân giải prothrombin chuyển đổi nó thành thrombin gây rối loạn đông máu và chảy máu tự phát. Độc tố ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, rối loạn đông máu, xuất huyết (chảy máu), trụy tim mạch và ngừng tim. Nọc độc cũng chứa độc tố thần kinh textilotoxin là một chất độc thần kinh được coi là mạnh nhất thu được từ bất kỳ con rắn đất nào. Tuy nhiên nồng độ độc tố thần kinh khá thấp chỉ chiếm khoảng 3% nọc độc thô tính theo trọng lượng.
Mỗi vết cắn của Rắn nâu tiết ra khỏa trung bình dưới 5 mg nọc độc ít hơn các loài rắn nguy hiểm khác của Úc. Khối lượng nọc độc được tạo ra phần lớn phụ thuộc vào kích thước của con rắn, những con rắn lớn hơn tạo ra nhiều nọc độc hơn; Rắn nâu phía đông Queensland sản xuất gấp ba lần lượng nọc độc trung bình (11 mg so với 3 mg) so với những con đến từ Nam Úc. Nọc độc có liều gây chết trung bình ở chuột (LD50) đã được đo ở mức 41 μg / kg.
Nọc độc của Rắn nâu gây ra rối loạn đông máu: hầu hết các trường hợp rắn cắn có biểu hiện nghiêm trọng bao gồm hạ huyết áp và sụp đổ, bệnh lý vi mạch huyết khối, xuất huyết nặng và ngừng tim. Các triệu chứng toàn thân phổ biến khác bao gồm buồn nôn và nôn, hoành (đổ mồ hôi) và đau bụng. Chấn thương thận cấp và co giật cũng có thể xảy ra. Các triệu chứng phát triển khá nhanh chóng, rối loạn huyết áp được ghi nhận xảy ra chỉ hai phút sau khi bị cắn. các cơn đau đầu chỉ sau 15 phút và xuất hiện các cục máu đông bất thường trong vòng 30 phút; Tử vong là do các nguyên nhân tim mạch như ngừng tim hoặc xuất huyết nội sọ. Thông thường, ít phản ứng cục bộ xảy ra tại vị trí vết cắn. Độc tính thần kinh là rất hiếm và nói chung là nhẹ do nồng độ khá thấp.
Rắn nâu được coi là loài rắn trên cạn có nọc độc thứ hai trên thế giới chỉ sau Taipan nội địa dựa trên giá trị LD50 của nó (tiêm dưới da) ở chuột. Rắn nâu là nguyên nhân của trên 60% trường hợp tử vong do rắn cắn ở Úc.
Rắn Taipan nội địa là loài bản địa Úc và được xem là loài rắn độc nhất trong tất cả các loài rắn trên cạn căn cứ số chỉ định LD50. Nó là một loài rắn thuộc họ Elapidae. Tuy là rắn độc, nhưng nó rất nhát và hay lẩn lút, luôn luôn tìm cách chạy trốn nếu có sự cố. Nó màu nâu đậm hay xanh đậm ô liu tùy mùa và dài khoảng 1,8 m cho đến tối đa là 2,5 m. Nó ăn những loài gặm nhắm và chim chóc. Môi trường sinh sống chủ yếu là trung tâm Úc, từ đông nam Northern Territory cho đến phía tây Queensland.
Ngoài việc sở hữu nọc độc sinh học khủng khiếp nhất trên cạn, Taipan nội địa còn có khả năng thay đổi màu sắc trên da theo mùa. Nó có thể chuyển từ màu nâu đậm sang xanh đậm ô liu hay xanh đen.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, Taipan nội địa có nọc độc độc gấp 50 lần rắn hổ mang thường và 10 lần rắn chuông Mojave.
Lượng nọc độc trung bình của mỗi cú cắn là 44 mg và liều tối đa được ghi nhận là 110 mg với độc tính cực kì cao được ghi nhận LD50 đối với chuột là 0,025 mg/kg. Chỉ với một cú cắn Taipan nội địa có thể khiến 100 người chết sau 45 phút nếu không được can thiệp y tế kịp thời.
Trước đó, họ phải chịu đựng những nỗi đau khủng khiếp từ nhát cắn chớp nhoáng, khiến 60% tế bào cơ tim bị hủy diệt sau 10 phút đầu tiên.
Nọc độc một khi có cơ hội thâm nhập vào cơ thể người sẽ hủy hoại hệ thống dây thần kinh, gây rối loạn đông máu, khiến chúng ta bị đau đầu dữ dội và tê liệt toàn thân.
Taipan nội địa có thể giết bất cứ loài động vật nào trên cạn. Chỉ một lượng nọc độc cực nhỏ phun ra sau mỗi nhát cắn, chúng có thể "tiễn" 250.000 con chuột về cõi chết.
May mắn thay, Inland Taipan không đặc biệt hung dữ và hiếm khi gặp con người trong tự nhiên. Không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận, mặc dù nó có khả năng giết chết một người trưởng thành chỉ trong vòng 45 phút.
Rắn biển Belcher có thể thấy ở khắp các vùng biển ngoài khơi Đông Nam Á, Bắc Australia, vùng biển Timor. Ngoài ra còn tìm thấy ở Nam Thái Bình Dương, vịnh Thái Lan, Sulawesi, New guinea Fiji, Kiribati và quần đảo Solomon. Rắn biển belcher có kích thước vừa phải, dao động từ 0,5- 1m, cơ thể mỏng với màu vàng crom, cùng với các vằn màu xanh đậm. Kiểu màu mặt lưng không mở rộng trên bụng.
Phần đầu ngắn và có các dải cùng màu, miệng rất nhỏ nhưng phù hợp với đời sống thủy sinh, màu cơ thể khi nhìn ra khỏi nước bạn sẽ thấy dường như có một màu vàng nhạt. Vảy khác so với các loài rắn khác chính là chúng chồng lên nhau, mỗi vảy lưng có một gò ở giữa. Cơ thể được nén mạnh về phía sau, các vảy bụng hẹp, chỉ rộng hơn vảy lưng một chút.
Rắn biển Belcher đứng đầu danh sách loài rắn độc nhất thế giới, Nếu như Inland Taipan ở trên cạn là loài độc nhất trên thế giới, thì nọc độc của rắn biển belcher còn độc gấp hơn 100 lần. Một vết cắn trung bình chứa khoảng 110mg nọc độc có thể giết chết hàng ngàn người.
Các vết cắn chứa nọc độc thường không gây đau đớn và thậm chí có thể không gây nhiều khi tiếp xúc. Răng có thể vẫn còn trong vết thương. Thông thường, ít hoặc không có sưng xảy ra, và hiếm khi có bất kỳ hạch bạch huyết gần đó bị ảnh hưởng. Các triệu chứng quan trọng nhất là tiêu cơ vân (phá vỡ nhanh chóng các mô cơ xương) và tê liệt. Các triệu chứng ban đầu bao gồm đau đầu, lưỡi cảm giác dày, khát nước, đổ mồ hôi và nôn. Nọc độc hoạt động rất chậm và các triệu chứng xảy ra từ ít nhất 30 phút đến vài giờ sau khi cắn bao gồm đau nhức toàn thân, cứng khớp và đau cơ khắp cơ thể. Sau đó là tê liệt tiến triển, bắt đầu từ việc tê liệt các cơ bắp, tê liệt các cơ liên quan đến nuốt và hô hấp có thể gây tử vong.
Rắn biển belcher thường hoạt động vào ban đêm. Tuy nọc độc cao nhưng chúng rất hiền lành, nhưng nếu như khi gặp nguy hiểm chúng sẽ trở nên hung dữ và tấn công lại. Tuy nhiên có ¼ trường hợp bị cắn có chứa nọc độc. Do vậy mặc dù Rắn biển có nhiều ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây, rất ít trường hợp tử vong ở người đã được báo cáo. Cái chết của một ngư dân đánh cá ở vùng biển Úc trong năm 2018 được báo cáo là tử vong do rắn biển đầu tiên của khu vực kể từ khi một thợ lặn ngọc trai bị cắn chết vào năm 1935.
– Có khoảng 3.400 loài rắn trên trái đất, trong đó có khoảng 680-700 loài có nọc độc.
– Có khoảng 55 loài rắn biển, hầu hết trong số chúng là những loài cực độc (trừ loài Emydocephalus annulatus).
– Nọc độc của rắn biển độc hơn so với các loài trên cạn.
– Rắn biển Belcher là loài rắn độc nhất trên hành tinh.
– Rắn độc Inland Taipan là loài rắn trên cạn độc nhất thế giới.
– Rắn hổ mang chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới (có thể dài tới 5,5m).
– Black Mamba là loài rắn độc nhanh nhất thế giới với tốc độ mổ lên tới 16-19km/h. Đây cũng là loài rắn độc nổi tiếng hung hăng nhất.
– Rắn lục Echis carinatus là loài rắn độc giết chết nhiều người nhất trên trái đất.
– Rắn đuôi chuông (Crotalus adamanteus) là loài rắn độc nặng nhất thế giới, với kỷ lục từng được ghi nhận có con nặng tới 15kg, nhưng chỉ dài 2,36m.
– Bitis schneideri là loài rắn độc nhỏ nhất thế giới (dài trung bình 22,8 cm).
– Rắn lục Bitis gabonica là loài rắn độc có nanh dài nhất thế giới (khoảng 5cm).
– Năng suất tiêm nọc độc nhiều nhất từng được ghi nhận là của loài Bothrops jaracussu (1530mg) và Rắn lục Gabbon (350-600 mg).
– Hydrophis spiralis là loài rắn biển dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa từng được ghi nhận là 2,75m.
– Quần đảo Ryukyu nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan là vùng đất ít bị rắn cắn nhất trên thế giới. Chỉ có khoảng 0,2% dân số (tức là 1 trên 500 người) bị rắn cắn trên 1 năm. Tuy nhiên các loài rắn ở khu vực này toàn là những loài có nộc độc rất nhẹ, và chưa có trường hợp nào tử vong do bị chúng cắn cả.
– Ilha da Queimada Grande là vùng đất có mật độ rắn dày đặc nhất thế giới. Trung bình cứ mỗi 1 mét vuông của hòn đảo ở Bazil này là có ít nhất 1 con rắn (loài golden lancehead). Hòn đảo rắn này không có người ở, và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi quân đội Brazil, và bất kỳ liên hệ về dân sự nào đều bị cấm.
– 16 tháng 7 là Ngày Rắn thế giới.
– Australia là đất nước có nhiều loài rắn độc nhất trên thế giới.
– Đất nước có nhiều người chết vì rắn cắn nhất là Ấn Độ và Sri-Lanka, trong đó chỉ riêng Ấn Độ có xấp xỉ khoảng 20,000-50,000 người chết hằng năm.
– Nam Cực là vùng đất duy nhất trên thế giới mà bạn không thể tìm thấy con rắn nào.
Copyright © 2018. Designed by Nvton. All rights reseved