Trà Hoa Thảo Mộc



Táo đỏ Tân Cương




Trà Hoa Hồng



Cẩm nang sức khỏe gia đình

Bệnh răng miệng

Những thói quen làm trẻ dễ bị hỏng răng

Trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ, một số thói quen ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của răng, hàm và có thể làm rối loạn một số chức năng ở vùng hàm mặt. Thói quen mút ngón tay, mút núm vú, cắn môi dưới và thở bằng miệng sẽ gây vẩu; thói quen chống cằm và cắn môi trên sẽ gây móm. Bình thường, sau khi cắn hai hàm răng và nuốt nước bọt, răng hàm trên phủ ngoài và che khuất 1/3 chiều cao thân răng hàm dưới. Khi bị hô hoặc móm, hàm răng không hội đủ hai đặc điểm vừa nêu, nếu ở mức độ nặng sẽ làm cho gương mặt xấu đi nhiều.

Ngoài ra, một số thói quen khác ảnh hưởng xấu đến răng miệng và thẩm mỹ gương mặt. Thói quen nằm nghiêng một bên lâu ngày sẽ làm lép một bên hàm và làm mất cân đối gương mặt. Thói quen dùng răng cắn bút, cắn móng tay, khui nắp chai, cắn chỉ... sẽ làm mẻ răng; nhất là đối với những người có tật nghiến răng. Vì thế, cần sớm từ bỏ các thói quen xấu này. Ta có thể giấu, bỏ núm vú, lồng một vật lạ một cách chắc chắn vào ngón tay của trẻ để trẻ không mút tay nữa và nhớ theo dõi kỹ để vật này không rơi vào họng trẻ. Với các thói quên như chống cằm, cắn môi..., ta có thể đặt ra một mức phạt thích hợp và có tác dụng đối với trẻ như không được ăn quà trưa khi ngủ dậy, không được về thăm bà... Với một số thói quen như thở bằng miệng, nghiến răng..., phải đưa trẻ đến bác sĩ khám và điều trị kiên nhẫn. Bác sĩ chỉnh hình răng hàm mặt phải làm khí cụ cho bệnh nhân đeo mới có thể bỏ được các tật xấu này.

BS Bùi Thị Quế Nga (Bệnh viên Nhi Đồng 1)

Làm sạch răng

Có nhiều cách làm sạch răng, trong đó chải răng là phương pháp hiệu quả và bảo đảm vệ sinh nhất. Sau đây là cách chải răng và một số phương pháp làm sạch răng thông thường.

1. Chải răng:

Răng cần được chải sạch, ngay sau khi ăn, theo đúng các phương pháp sau:

– Phương pháp thông dụng và hợp với quán tính tự nhiên: Đối với mặt trong và mặt ngoài của răng ta thường kéo bàn chải theo hướng từ nướu đến mặt nhai hoặc cạnh cắn của răng: ở mặt nhai ta chải theo động tác tới lui.

– Cắn hai hàm răng, để lông bàn chải ép sát vào mặt ngoài răng hàm trong cùng, sau đó xoay tròn từ từ và nhẹ nhàng ra đến răng cửa và từ răng cửa vào trong, khoảng 10 lần cho mỗi vị trí. Tiếp tục chải như thế cho phần hàm phía đối diện. Mặt trong của răng được chải theo động tác kéo xuống đối với hàm trên và kéo lên với hàm dưới. Mặt nhai thì chải theo động tác tới lui.

– Có thể để lông bàn chải nghiêng 45 độ so với trục răng, ép lên một phần nướu rồi di chuyển nhiều lần từ cổ răng tới mặt nhai để làm sạch mặt ngoài và mặt trong của răng. Riêng với mặt trong răng cửa, ta có thể để bàn chải theo trục răng, chải theo chiều răng mọc. Với mặt nhai ta cũng chải theo phương pháp tới lui.

2. Lau răng

Trường hợp trẻ còn nhỏ, không dùng bàn chải được, người mẹ nên quấn vải hoặc chéo khăn lau răng cho trẻ sau khi ăn. Gần đây có bàn chải chà răng lông ngắn, rất mềm, có thể đeo vào ngón tay, dùng lau răng cho trẻ rất dễ dàng và tiện lợi.

3. Súc miệng

Ở trường học, công sở, sau khi ăn xong, nếu không có bàn chải mang theo, nên súc miệng ngay, đưa nước mạnh qua lại hai bên miệng. Nước sẽ lấy đi một phần chất bám dính ở răng và giúp cho vệ sinh răng miệng được tốt hơn. Có thể cho ngón tay và chà xát các mặt răng như ông bà đã làm ngày trước.

4. Một số phương pháp thông dụng khác

– Dùng vỏ cau khô làm sạch các răng cửa, tất nhiên không thể sạch bằng bàn chải nhưng có thể dùng tạm được.

– Có thể dùng tăm nhưng cần chú ý dùng tăm tre nhỏ, hợp vệ sinh, đã được luộc hoặc hấp và phơi khô. Không nên chọc nhiều vào nướu, chọc xuyên qua kẽ răng, làm chảy máu, tụt nướu và viêm nướu. Tránh dùng bất cứ vật gì bằng kim khí thay thế tăm xỉa răng. Không nên tập cho trẻ quá nhỏ dùng tăm.

– Nên ăn trái cây có xơ làm sạch răng như mía, dứa (thơm), cóc, ổi, cà rốt, mận, dưa...

BS Lâm Hữu Đức, (ĐH Y Dược TP HCM)

Fluor – lợi và hại

Hiện nay, nhiều chế phẩm dùng cho răng miệng được quảng cáo là có chứa fluor. Thật ra đối với cơ thể, fluor là con dao hai lưỡi, thiếu cũng không được mà thừa cũng không xong. Vì vậy, để bảo đảm vừa đủ fluor, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:

Fluor là một chất hoá học có tính oxy hoá rất cao, vì thế có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh. Fluor có thể kết hợp với những chất có trong răng (gọi chung là aphatit), tạo ra hợp chất fluor aphatit. Hợp chất này không tan trong môi trường acid, có tác dụng diệt khuẩn và làm chắc răng. Fluor thường hiện diện trong cá, rau, quả, bắp cải, đặc biệt có nhiều trong đất và nguồn nước uống.

Fluor xâm nhập vào cơ thể chúng ta chủ yếu qua đường tiêu hoá, ngấm thật nhanh vào các mô mềm và nồng độ cao nhất là ở thận.

Fluor xâm nhập dễ dàng qua hàng rào nhau thai và có thể ngấm một phần vào phôi thai.

Fluor ngấm vào xương và răng vào thời kỳ răng ngấm vôi trong xương hàm.

Nồng độ an toàn cho phép của fluor là 1 ppm, có tác dụng phòng chống sâu răng và làm chắc răng. Nếu thiếu fluor, răng dễ dàng bị hư, vi khuẩn có trong thức ăn sẽ kết hợp với môi trường acid trong nước bọt làm hủy hoại men răng. Nồng độ fluor trong nước uống lớn hơn 1,5 ppm có thể gây rối loạn các tế bào men (làm cho chúng không sản sinh được những thành phần cơ bản của men răng) đồng thời gây ảnh hưởng cho quá trình "canxi hoá" men răng.

Nồng độ fluor vượt quá mức cho phép thường đưa đến những triệu chứng lâm sàng như: răng không được bóng, răng ngả màu vàng hoặc xỉn đen. Nếu nặng thì răng có nhiều hố rãnh, không còn hình dáng bình thường. Nhiễm fluor còn có thể gây xơ cứng khớp xương, tổn thương tuyến giáp, cơ thể chậm phát triển, tổn thương thận...

Nguồn nước chúng ta đang sử dụng có hàm lượng fluor thấp hơn quy định. Có thể bổ sung fluor bằng cách sử dụng kem đánh răng, thuốc súc miệng, tuy nhiên, cần phải chú ý để đảm bảo liều lượng fluor an toàn.

Bệnh sâu răng

Bệnh không do con sâu gây ra mà thủ phạm chính là vi khuẩn. Sâu răng là một quá trình hoá học phá hủy các mô cấu tạo răng, có thể gặp ở mọi người, không phân biệt tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội. Răng sẽ bị sâu khi hội đủ 3 yếu tố: vi khuẩn, chất ngọt và răng không cứng chắc. Vi khuẩn có trong miệng sẽ biến chất đường, chất ngọt trong thức ăn có nhiều đường thành acid trong vòng 10-15 phút. Acid này sẽ lắng đọng ở những nơi khó chải rửa (các rãnh trũng ở mặt nhai của răng, kẽ răng và cổ răng) rồi gây sâu răng. Lỗ sâu bắt đầu bằng một đốm trắng, sau đó làm tan rã lớp men bên ngoài, răng bị ăn thủng dần dần và gây ra lỗ sâu.

Trong miệng có nhiều loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn sâu răng. Nhưng bệnh chỉ xảy ra khi có thức ăn ngọt như đường, bột, bánh, kẹo, kem, nước ngọt... vì thức ngọt là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Sâu răng diễn tiến qua 4 giai đoạn:

– Giai đoạn 1 là sâu men: Acid hoà tan chất khoáng có trong men răng, tạo những đốm đục; sau đó ăn mòn dần làm cho bề mặt men gồ ghề, có màu trắng đục hoặc tạo chấm đen hay một lỗ xốp nhỏ. Sâu men không đau nên bệnh nhân chưa biết bị sâu răng, chỉ phát hiện khi đi khám răng hoặc bệnh nhân tình cờ soi gương thấy đốm đen. Lưu ý một điều là: khi men răng bị chọc thủng thì tốc độ sâu răng phát triển rất nhanh.

– Giai đoạn 2 là sâu ngà: Lỗ sâu ngày càng ăn sâu và phá hủy nhanh chóng ngà răng. Bệnh nhân đau khi nhai; khi dùng thức nóng, lạnh, chua, ngọt đều ê buốt, vì thế cần sớm đến nha sĩ trám răng.

– Giai đoạn 3 là tủy viêm: Giai đoạn này có sự kích thích dây thần kinh nên gây ra những cơn đau dữ dội.

– Giai đoạn 4 là tủy chết: Lượng vi khuẩn gây bệnh sinh ra nhiều hơn, đi vào vùng quanh chóp răng, xương hàm... gây sưng mặt hay viêm xương hàm.

Ngoài hậu quả thường thấy như đau nhức, ăn ngủ không ngon, tốn kém tiền bạc, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác... nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng do sâu răng sẽ lan xa đến mũi, họng, mắt, tim, thận, khớp. Đã có bệnh nhân tử vong vì viêm màng trong tim, nhiễm trùng huyết do biến chứng của sâu răng.

Các nước và vùng lãnh thổ có chương trình phòng ngừa tốt như Hồng Kông, Australia... đã kiểm soát được bệnh sâu răng và đang phấn đấu không còn trẻ em sâu răng vào năm 2005.

Sâu răng có thể phòng ngừa một cách dễ dàng bằng những biện pháp sau:

– Luôn giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng sạch, đúng phương pháp với bàn chải tốt và kem đánh răng có fluor ngay sau khi ăn, nhất là buổi tối trước khi ngủ.

– Sau khi ăn, nếu không thể đánh răng, nên súc miệng ngay và đánh răng khi về nhà.

– Dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng.

– Dinh dưỡng tốt cho răng, ăn những thứ tốt cho răng và cơ thể, bớt ăn quà vặt ngọt; nếu ăn vặt thì nên dùng trái cây tươi có xơ để chà sạch răng và có thêm sinh tố.

– Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng để kịp thời điều trị răng mới chớm sâu.

BS Ngô Đồng Khanh (Viện Răng hàm mặt TP HCM)

Áp xe răng

Nếu răng có một lỗ sâu mà không trám ngay, lỗ sâu này sẽ lớn dần và ngày càng đi gần đến tủy răng. Vi khuẩn từ lỗ sâu sẽ đi theo ống tủy chân răng đến vùng chóp gốc răng và có thể tạo mủ, thành áp xe. Khi mủ nhiều, nó sẽ tạo nên một áp lực lớn ép vào dây thần kinh và gây đau dữ dội.

Triệu chứng:

– Đau liên tục ngay cả khi đi ngủ.

– Cảm thấy răng dài ra và hơi lung lay.

– Đau khi gõ dọc răng.

– Có bọc mủ ở trên nướu, gần chân răng.

– Sưng nướu quanh răng hay sưng mặt bên cùng phía với răng đau. Điều trị:

– Nếu mặt không sưng, cần nhổ răng ngay (trừ trường hợp có khả năng chữa được ống tủy răng) để giúp cho mủ thoát ra từ ổ răng và làm giảm đau. Dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, kèm thuốc giảm đau.

– Nếu mặt có sưng: Dùng kháng sinh, đồng thời nhổ răng ngay để nhanh chóng loại trừ nguyên nhân.

Cần lưu ý là khi sưng, thuốc tê ít tác dụng. Có thể dùng Erytromycin 250 mg (12 viên), uống 3 ngày, ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên.

– Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể dùng kháng sinh lâu ngày hơn: Erytromycin 250 mg

(20 viên). Uống 5 ngày.

– Khi nhổ răng rồi, có thể dùng thuốc kháng sinh thêm 3 ngày nữa. Nếu bọc mủ đã hình thành nhiều, có thể rạch thoát mủ bằng dao vô trùng hay đầu thám châm đã tiệt khuẩn kỹ lưỡng:

+ Đắp một khăn nhúng nước ấm trên mặt.

+ Ngậm nước ấm trong miệng, gần chỗ sưng.

+ Dùng thêm thuốc giảm đau: Paracetamol (12 – 18 viên). Uống 2 – 3 ngày, ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên. Đối với trẻ em, phải giảm liều lượng và không dùng Tetracillin vì làm đổi màu răng.

Dùng:

° Erytromycin 250 mg (6 viên), uống 3 ngày, ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên.

° Paracetamol 500 mg. Trẻ em 8-12 tuổi: 1 viên x 3 lần/ngày; 3-7 tuổi: 1/2 viên x 3 lần/ngày; 1-2 tuổi: 1/4 viên x 3 lần/ngày.

Viêm nướu do cao răng

Viêm nướu do vôi răng (cao răng) là một bệnh khá phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ thiếu nhi cho đến người già do vệ sinh răng miệng không đúng cách (không đúng kỹ thuật, không đúng lúc...). Thức ăn đóng quanh cổ răng không được chải sạch sẽ kết hợp với muối vô cơ và vi trùng trong miệng tạo thành vôi răng. Sự kết hợp này tạo cho vôi răng có mùi hôi riêng.

Vôi răng thường đóng nhiều ở mặt trong răng phía trước hàm dưới và mặt ngoài răng hàm lớn hàm trên vì là nơi có lỗ tiết của tuyến nước bọt. Tùy theo mức độ đóng vôi, vôi răng có thể là dạng mủn dễ lấy nhưng cũng có khi đóng thành mảnh cứng, phải dùng dụng cụ chuyên ngành mới lấy sạch. Nếu vôi răng quá dày hoặc chịu tác dụng của lực nhai mạnh, nó có thể tự bong ra. Khi ấy, người ta thường tưởng nhầm là răng bị vỡ.

Vôi răng càng nhiều thì nướu viêm càng nặng, có khi sưng đỏ mọng, dễ chảy máu, đôi lúc có mủ làm cho miệng rất hôi. Trên thực tế khám bệnh, chúng tôi thấy có 95% trường hợp viêm nướu và viêm quanh răng là do vôi răng, chỉ 5% là do nguyên nhân khác. Như vậy, phòng ngừa vôi răng là điều quan trọng hàng đầu đối với bệnh ở vùng nướu.

Để ngừa vôi răng, chúng ta nên lưu ý các điểm sau:

– Phải chải răng đúng phương pháp và đúng lúc; nhất là trước khi đi ngủ, răng phải được chải sạch và nên súc miệng bằng nước muối pha loãng như nêm canh.

– Định kỳ 6 tháng một lần nên đến phòng nha khám răng và lấy vôi răng. Với người dễ đóng vôi răng, định ký tái khám có thể rút ngắn lại 3-4 tháng 1 lần.

– Mỗi khi súc miệng nên dùng ngón tay xoa nắn nướu.

– Ăn vừa phải những thức ăn có sinh tố C.

– Ngoài ra, nên tránh các điều sau: Hút thuốc (làm tăng vôi răng), thở bằng miệng (làm nướu khô và dễ viêm hơn), dùng tăm chọc vào nướu, chọc xuyên từ trước ra sau răng, dùng tăm to và tăm không vệ sinh.

Chúng ta nên phòng ngừa vôi răng và điều trị viêm nướu ngay từ đầu, vì nếu chờ đến khi nướu viêm rõ rệt mới chữa trị thì đã muộn. Nếu để lâu, viêm nướu sẽ tiến triển thành viêm quanh răng rất khó trị (thường xảy ra ở người trên 40 tuổi): mô quanh răng lỏng lẻo, nướu tụt, răng lung lay, người bệnh có cảm giác răng trồi lên rất khó chịu và mỗi khi trở trời hoặc cơ thể yếu thì răng đau, có mủ, thường phải nhổ bỏ.

BS Lâm Hữu Đức (ĐH Y dược TP HCM)

Bệnh nha chu

Đó là loại bệnh lý tấn công vào một trong các thành phần mô nha chu, gây phá hủy và làm mất chức năng của răng. Bệnh nha chu xuất hiện và diễn tiến từ nhẹ đến nặng, từ giai đoạn điều trị dễ dàng, đơn giản đến khó khăn, phức tạp và có khi không điều trị được, phải đi đến nhổ bỏ răng.

Nguyên nhân chính gây bệnh là vi khuẩn (tập trung dưới hình thức mảng bám). Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như bệnh tiểu đường, tuổi dậy thì, thai nghén hay đặc biệt là HIV.

Bệnh nha chu chia làm 2 giai đoạn

– Nhẹ: Được gọi là viêm nướu, dấu chứng bệnh lý chỉ xảy ra ở phần nướu. Dấu chứng cơ bản nhất là nướu bị chảy máu, có thể là tự phát hoặc do kích thích (đánh răng va chạm).

– Nặng: Phá hủy các thành phần bên trong của mô nha chu. Nướu, dây chằng, xương ổ răng bị phá hủy nhiều lần, dẫn đến răng lung lay hoặc có thể bị áp xe nha chu với những bọc mủ, phải nhổ bỏ răng.

Để đề phòng bệnh nha chu, nên khám răng định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện kịp thời và điều trị có hiệu quả. Cạo vôi răng theo định kỳ, có thể 6 tháng một lần. Điều trị, phẫu thuật túi nha chu.


Từ Khóa:

Bệnh răng miệng || Cẩm nang sức khỏe gia đình || Mẹo vặt trong cuộc sống hàng ngày ||


Quảng cáo: Trái cây sấy xuất khẩu sỉ và lẻ

Xem thêm Cẩm nang sức khỏe gia đình

Thuốc thảo mộc

Hạn chế dùng thuốc

Chăm sóc trẻ em bệnh

Ung nhọt ngoài da

Căng thẳng mệt mỏi

Các bệnh về mắt

Bệnh tai mũi họng

Bệnh về da và tóc

Các bệnh xương khớp

Các bệnh về hệ tuần hoàn

Bệnh về gan

Lao và các bệnh hệ hô hấp

Bệnh về đường tiết niệu

Các bệnh đường tiêu hoá

Trà Hoa Thảo Mộc Đà Lạt

Tìm kiếm

Nông Sản Sạch



Kẹo Xoài




Xoài Sấy Dẻo