Trà Hoa Thảo Mộc



Táo đỏ Tân Cương




Trà Hoa Hồng



Cá kho - Món ăn truyền thống Việt Nam

Cá kho. Món ăn truyền thống Việt Nam - Công thức nấu ăn

Hình minh họa: Cá kho. Món ăn truyền thống Việt Nam

(Nguồn ảnh: Internet)


Cá kho

Vật liêu - thực hành

Món cá kho vn có thể tạm sắp thành hai loại.

Một là cá kho nước: món ăn kho hơi lạt, có nhiều nước để dùng chan vào bún, cơm; thường dùng những loại cá biển như cá ngừ, cá thu, cá sòng, cá nục...

Hai là cá kho khô: món ăn rất đậm đà, mặn miệng... Sau khi chế biến gần như cạn hết nước và kho không khô hẳn nhưng cũng không có nhiều nước; thường sử dụng những loại cá nước ngọt như cá lóc, cá basa, cá bống, cá kèo, cá cơm... Nhưng một vài loại cá biển thân nhỏ như chuồn, trích, nục... Vẫn kho khô được.

Trong hai cách kho này, tùy người, tùy vùng... Ngoài gia vị thường dùng còn sử dụng vài phụ gia như thơm (dứa) chín; xơ mít chín; chột nưa (một loại cây quen thuộc vùng bình trị thiên vn, họ môn, giống như cây môn ngọt hay cây bạc hà trong miền nam nhưng có vị khác); mía lau; thịt heo ba chỉ (ba rọi)... Và cả nước trà để khử vị tanh. Xin trình bày căn bản, phần chế biến tùy thích các bạn làm thêm với các loại thực phẩm tìm được ở nước ngoài.

1. Gia vị: chuẩn bị muối, tiêu, nước mắm, đường, nước màu hay còn gọi là nước màu dừa (một dạng caramel chế biến từ đường nấu cho thành dạng sệt, vị cháy đắng, có màu nâu đỏ đậm. Bếp vn thường dùng nước màu dừa để kho cá thịt, tạo vị đắng ngọt, pha màu... Cho vài món ăn khác.

2. Phụ gia: tùy ý sử dụng như thơm (dứa) chín cắt miếng nhỏ, cà chua chín cắt miếng bỏ phần hột, xơ mít chín (trái mít chín, sau khi gỡ múi, cắt lấy phần cọng xơ dạng sợi) mía lau róc vỏ, chặt khúc 5cm, chẻ nhỏ, chột nưa đã muối mặn v.v...

3. Cá kho nước:

–  Các loại cá quen thuộc ở vn để dùng kho nước là các loại cá biển như cá ngừ, cá thu, cá nục, cá chuồn, bạc má... Cá thu, cá ngừ thường ở dạng cắt lát dày khoảng 1,5 - 2cm.

–  Còn như cá nục, cá chuồn... Nếu cá dài cỡ chừng 15 - 20cm thì kho nguyên con (sau khi làm sạch và đánh vảy); nếu cá lớn con hơn thì tùy ý cắt khúc ngắn.

–  Dùng cỡ nồi vừa đủ. Thí dụ như bạn định kho 6 lát cá ngừ, mỗi lát lớn chừng 2/3 bàn tay người lớn thì hãy chọn một cái nồi cỡ vừa đủ sắp 6 lát cá chỉ thành một lớp vào đáy nồi, đây có thể gọi là một bí quyết nhỏ để cá có chất lượng đồng đều. Lý do khác là trong một bữa cơm vn, món cá kho cũng như các món ăn khác, không làm với số lượng nhiều. Nếu phải kho cá với số lượng công nghiệp để chiêu đãi vài chục người cùng ăn món cá ngừ với bún chẳng hạn thì bạn phải dùng nồi lớn và xếp chồng các lớp cá lên nhau với cách ướp đường cho từng lớp nhưng lớp cá nằm dưới cùng vẫn sẽ ngon nhất.

–  Phân lượng gia vị tương đối cho 500gr cá ngừ hoặc các loại đã kể, cho ra vị cá kho hơi lạt: xếp cá vào nồi, rắc phủ đều lên mặt cá khoảng 50gr đường và đong đường bằng muỗng - nếu đã dùng mấy muỗng đường thì cho thêm chừng đó muỗng nước mắm + ½ muỗng cà phê tiêu + 1 muỗng cà phê muối + 20gr hành tím lột vỏ, đập dập + ½ muỗng súp nước màu dừa + 2 trái ớt chín đỏ, khoảng 15 - 20gr, để nguyên trái - không bẻ gãy ớt + 1 muỗng súp dầu ăn hoặc mỡ nước. Đậy kín cá, để qua 1 giờ hoặc hơn cho cá thật thấm gia vị. Trong khâu ướp cá, đường sẽ làm cho cá săn chắc và thấm các loại gia vị khác chứ không phải do mắm muối. Nước màu dừa có tác dụng làm cho màu nước cá kho vàng nâu đẹp mắt, nếu dùng nhiều nước kho sẽ có màu đỏ nâu và đắng.

–  Những phụ gia có thể dùng cho thêm vào món cá kho nước - nhất là dùng cá ngừ: thịt ba chỉ heo cắt miếng nhỏ cỡ ½ ngón tay út 100gr thịt / 500g cá; 50gr thơm chín cắt miếng nhỏ hoặc 50gr cà chua chín, bỏ hột, cắt miếng nhỏ; cho vào đáy nồi khoảng 100gr mía lau róc vỏ, chặt khúc ngắn 5cm. Chẻ mỏng... Những loại phụ gia này tùy thích sử dụng tất cả hoặc một hai thứ, món cá kho sẽ có nhiều hương vị hơn.

–  Nước trà: cho thêm ít nước trà (người bắc gọi là nước chè) vào món cá kho nước là thói quen khẩu vị của một số người trung, người bắc vn. Dùng nước chè lá tươi đã nấu pha hoặc chè bắc thái nguyên pha không đậm lắm, cho vào khoảng 50cc / 500gr cá, vị cá kho sẽ trở nhẹ nhàng, làm tăng mùi thơm nước kho và không nghe mùi tanh cá. Nếu ở nước ngoài muốn kho thử mà không có nước trà xanh chẳng hạn, bạn có thể dùng trà lipton đen loại túi lọc, không nên sử dùng loại trà ngọt có vị cam chanh hay gừng.

–  Kho cá: sau khi ướp cá, bắc nồi cá lên bếp, để vừa lửa, châm thêm vào một lượng nước sôi ngập hơn mặt cá khoảng 2 - 3cm. Khi thấy nước sôi, hạ lửa nhỏ riu riu kho trong khoảng 45 phút, thăm chừng nước, nếu thấy nước cạn phải châm thêm nước sôi để giữ nước kho luôn cao hơn mặt cá, thăm chừng nạc cá vừa săn chắc, nước vẫn cao hơn mặt cá chừng 1 - 2cm là vừa.

–  Về việc nêm nước cá kho: món cá kho nước hay dùng ăn bún tươi cho nên thường kho lạt nhưng tùy khẩu vị, sau khi kho xong cứ nêm thêm chút muối, đường... Theo ý riêng. Lưu ý khi dùng nước mắm để nêm vì có nhiều loại nước mắm nếu dùng nhiều sẽ tạo thêm vị chua chứ không phải mặn. Hoặc tùy ý giã nhỏ ít tỏi ớt trong một cái chén, cho vào ít nước cá kho rồi làm loãng ra với ít nước sôi sau đó mới nêm lại với chút muối, đường, nước mắm... Và dùng loại nước cá pha lạt này để chan kèm bún tươi, rau sống cắt nhỏ, dưa leo băm.

–  Nếu muốn kho lâu hơn cứ tiếp tục để nồi cá trên bếp với lửa thật nhỏ cho đến khi nước kho cạn sấp mặt cá bạn sẽ có vị cá kho đậm đà hơn nhưng cách kho này vì đã dùng nước cho nên nạc cá sẽ có vị khác cách kho khô.

4. Cá kho khô:

–  Những loại cá nước ngọt thường dùng kho khô là cá lóc (người miền trung vn hay gọi lá cá tràu, cá quả), cá basa (loại cá da trơn - catfish - nói chung) cắt lát mỏng; cá bóng, cá kèo, cá rô, cá cơm... Làm sạch.

–  Sử dụng phân lượng gia vị cho 500gr cá kho khô: xếp cá vào nồi, rắc phủ đều lên mặt cá khoảng 100 - 120gr đường và đong đường bằng muỗng - nếu đã dùng mấy muỗng đường thì cho thêm chừng đó muỗng nước mắm + ½ muỗng cà phê tiêu + 1 muỗng cà phê muối + 20gr hành tím lột vỏ, đập dập + ½ muỗng súp nứơc màu dừa + 2 trái ớt chín đỏ, khoảng 15 - 20gr, để nguyên trái - không bẻ gãy ớt + 2 muỗng súp dầu ăn hoặc mỡ nước. Đậy kín cá, để qua 1 giờ hoặc cho đến khi thấy đường tan hết và hỗn hợp nước gia vị phải ngập mặt cá; nếu cá lớn con, nước gia vị không đủ ngập cá thì phải cho thêm ít đừơng + nườc mắm bằng nhau. Bắc cá lên bếp. Để lửa vừa, vừa thấy nước kho chớm sôi phải hạ lửa thật nhỏ chỉ đủ cho nước kho sôi váng hơi và sủi bọt rất nhẹ. (không châm thêm nước sôi mà chỉ kho cá bằng nứơc đường muối tan ra). Nếm thử nước kho, tùy thích thêm đường hoặc muối theo khẩu vị riêng - thông thường với lượng đường và nước mắm nhiều như vậy chỉ cần nêm thêm chút muối nếu chất lượng nước mắm kém. Kho trong khoảng 1 giờ trở lại, thỉnh thoảng đảo nồi cho cá trở nhẹ, kho cho đến khi nước kho gần như cạn hẳn và sệt quánh lại, miếng cá trở chắc, có màu nâu đỏ thẩm.

–  Về món cá kho tiêu: món cá lóc hay cá kèo kho tiêu chỉ là dạng cá kho khô nhưng cho nhiều tiêu. Tùy thích rắc thêm ít tiêu bột vừa đủ thơm và cay nhẹ khi nước kho bắt đầu quánh sệt, lưu ý nếu cho nhiều tiêu thì ngoài vị cay sẽ có thêm vị đắng nồng rất khó chịu.

–  Với cách kho khô này, nếu muốn có nước nhiều để chan vào cơm, xôi nếp... Thì khi cá đã thấm ngon, châm thêm chút nước sôi cho bằng mặt cá, để sôi lại là được. Trong món cá kho khô, người miền trung thường chỉ dùng thêm chột nưa, xơ mít... Lót một lớp chừng 2 cm, dưới đáy nồi rồi mới cho cá lên. Nước kho sẽ thấm vào các loại phụ gia này làm thành món ăn phụ rất ngon.


Từ Khóa:

Cá kho || Món ăn truyền thống Việt Nam || Hướng dẫn làm Cá kho || Công thức nấu ăn || Món ngon mỗi ngày


Quảng cáo: Trái cây sấy xuất khẩu sỉ và lẻ

Xem Thêm Một Số Món Món ăn truyền thống Việt Nam

Trà Hoa Thảo Mộc Đà Lạt

Tìm kiếm

Nông Sản Sạch



Kẹo Xoài




Xoài Sấy Dẻo